140 cán bộ giáo viên tham gia chuyên đề “Vận dụng các phương pháp tích cực để dạy học phát triển năng lực học sinh”

     140 cán bộ giáo viên các trường Tiểu học Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Du, Bắc Lệnh, Bắc Cường, Chu Văn An thành phố Lào Cai tham gia chuyên đề “Vận dụng các phương pháp tích cực để dạy học phát triển năng lực học sinh”

     Bộ não của con người vận hành dựa trên rất nhiều các quy luật, mà khi nắm được các quy luật này, người GV có thể giúp cho HS của mình học tập một cách hiệu quả hơn; đồng thời, giúp cho chính công việc việc mình đỡ khó khăn, vất vả và có nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc hơn.

      Với mục tiêu hiểu các quy luật hoạt động của não bộ – là cơ sở khoa học, để dựa vào đó dạy học phát triển các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, nhằm giúp cho quá trình học tập và tiếp nhận kiến thức của người học diễn ra một cách thuận lợi nhất, thu được kết quả cao nhất, trong 2 ngày 30/9 và 1/10 năm 2023, tại Nhà Đa năng trường Tiểu học Lê Văn Tám thành phố Lào Cai đã diễn ra chương trình tập huấn với chủ đề “Vận dụng các phương pháp tích cực để dạy học phát triển năng lực học sinh”.

     Buổi tập huấn bắt đầu bằng màn vận động theo nhạc bằng những động tác đơn giản nhưng khoẻ khoắn đã giúp 140 thầy cô có mặt tràn đầy hứng khởi tham gia vào nội dung tập huấn.

     Chuyên đề đầu tiên người học được nghiên cứu về “Bí mật” để thấy những “quy luật” của bộ não, người giáo viên sẽ biết cách ấn đúng “huyệt” tích cực của học trò bởi các phương pháp và kĩ thuật dạy học được sinh ra để hỗ trợ cho việc hoạt động của não bộ.

     Dưới sự điều hành của giảng viên, nội quy lớp học như đi học đúng giờ, tắt chuông điện thoại, sản phẩm học tập và những lưu ý khi tham gia tập huấn được xây dựng dựa trên cơ sở những đóng góp của các thành viên tham gia khoá học. Điều này là “liều thuốc” để tăng sự chú ý, kích thích sự ham học hỏi của các thầy cô trong suốt “chiều dài” khoá học.

     Chia sẻ về bí quyết tạo sự chý ý bằng “ám hiệu” Helo -yes, Hi – 5, vận dụng luôn vào việc điều hành lớp học, giảng viên Trần Khánh Ngọc đã dẫn dắt sự chú ý của học viên thay đổi theo hướng tích cực. Quy luật tập trung được vận dụng và thể hiện bằng việc thay đổi phương pháp, hình thức tổ chức những hoạt động kế tiếp theo chu kì 10 đến 15 phút. Việc vận dụng những kĩ thuật này trong quá trình dạy học của người thầy sẽ tạo được năng lượng tích cực, tạo nên những chu kì hoạt động tích cực của học trò.

     Bằng những ví dụ thực tế, giảng viên Khánh Ngọc đã dẫn dắt người học đi tới nội dung Ba câu hỏi luôn được đặt ra khi nhận được một nhiệm vụ: “cái gì”, “làm như thế nào”, “vì sao phải làm?”. Với vai trò là một “Hiệu trưởng nhỏ” trong lớp mình phụ trách, người giáo viên cần làm tốt câu hỏi “tại sao?” luôn là câu hỏi quan trọng mà mình cần phải giải quyết. Hãy giúp học trò hiểu tại sao mình phải học từ đó học trò sẽ có hứng thú, động lực học và giải quyết vấn đề. Với cách dẫn dắt trên, giảng viên Khánh Ngọc đã có 140 cánh tay đồng quan điểm vì sao cần phải sử dụng phương pháp và kĩ thuật dạy học.

     Sử dụng phương pháp hoạt động nhóm và kĩ thuật sơ đồ tư duy, 6 đặc điểm của bộ não lần lượt được khám phá. Não bộ có giới hạn về ghi nhớ (số lượng và thời gian), mức độ xử lý thông tin, não luôn thích sự độc đáo và đặc biệt, não thích những thứ quen thuộc và những có ý nghĩa và cần “gãi đúng chỗ ngứa”. Từ việc hiểu quy luật hoạt động của não bộ người dạy dựa vào đó để tiến hành, phát triển các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, nhằm giúp cho quá trình học tập và tiếp nhận kiến thức của người học diễn ra một cách thuận lợi nhất, thu được kết quả cao nhất. Giảng viên Trần Khánh Ngọc đã đưa người học phân tích đặc điểm, những sai lầm và việc ứng dụng những đặc điểm của bộ não vào việc tổ chức các hoạt động học nhằm phát triển tốt nhất năng lực, phẩm chất cho người học.

     Chống “tràn”, tạo “cơ hội” cho học sinh xử lý thông tin, kĩ thuật “biến lạ thành quen”, cách làm cho học sinh “ngứa” bằng những tình huống có vấn đề, bằng trò chơi học tập và những phương pháp, kĩ thuật dạy học đa dạng là những thuật ngữ được nhắc tới, được khắc sau và “thấm” trong một ngày làm việc cùng nhau hăng say, hiệu quả của 140 thầy cô giáo. Đợt tập huấn kết thúc nhẹ nhàng trong những tràng vỗ tay kéo dài.

     Đây là dịp để mỗi người tham gia tập huấn sẽ đem về cho mình những kinh nghiệm quý báu và áp dụng có hiệu quả vào quá trình dạy học trong năm học 2023 – 2024.

                                            Lê Mùi – Ban truyền thông trường TH Lê Văn Tám

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *